Trong phần 1, chúng ta đã tìm hiểu về Facebook report và các ví dụ về các nội dung cần có cho một Facebook report. Trong phần 2 này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các để trình bày báo cáo quảng cáo Facebook và cách để tối ưu hóa thời gian báo cáo Facebook nhé.
Cách trình bày báo cáo quảng cáo facebook như thế nào?
Tốt nhất là biểu đồ (chart). Các biểu đồ có sự so sánh với nhau hàng tuần, hàng tháng và cả so với cùng kỳ hoặc thời kỳ thịnh vượng nhất của các chiến dịch trước đó, trước khi bạn và khách hàng đồng ý hợp tác với nhau. Khi đó, khách hàng sẽ dễ dàng cảm nhận được hiệu quả của báo cáo và cả hiệu quả công việc của bạn.
Tips:
- Báo cáo cập nhật/tổng quan (Overview Report): là những báo cáo hàng tuần, hàng tháng chiến dịch đang chạy quảng cáo. Có sự tiến triển gì hoặc đang vướng mắc điều gì. Tận dụng đà hiệu quả để đẩy mạnh hoặc phương án xử lý vấn đề tối ưu nhất.
- Báo cáo toàn chiến dịch (Campaign Report): là bao gồm tất cả những hiệu quả của toàn chiến dịch mang lại. Báo cáo thể hiện rõ từng hạng mục đã thực hiện và so với KPIs đã cam kết trước đó. Điểm tích cực và điểm hạn chế. Đề xuất cho giai đoạn sau.
- Excel cũng là một công cụ phân tích báo cáo hữu hiệu mà không cần đến các tool khác. Nhà quảng cáo có thể cài thêm Add-ins Facebook Ads Manager for Excel để sử dụng. Nếu biết sử dụng thêm Pivot Table nữa thì thời gian phân tích của bạn càng tối ưu hơn.
Làm sao để tối ưu hóa thời gian báo cáo Facebook?
Facebook luôn cập nhật các tính năng tiện ích nhất cho nhà quảng cáo trong việc phân tích và tổng hợp báo cáo. Trong Trình quản lý quảng cáo (Ads Manager) hoặc Power Editor, nhà quảng cáo có thể tùy chọn những nội dung cần xuất ra file excel để báo cáo. Từ những file excel này, nhà quảng cáo dễ dàng hình thành nên các biểu đồ báo cáo vô cùng sinh động.
Tips:
- Thử nghiên cứu cách các phân tích quảng cáo trên Ứng dụng Ads Manager (có cả cho Android và iOS) để tham khảo cách báo cáo hiệu quả hơn.
- Như có đề cập, nhà quảng cáo nên báo cáo hàng tuần, hàng tháng, lưu lại các bản file để tiện cho việc so sánh hiệu quả và hình thành nên một báo cáo tổng quát cô đọng và dễ hiểu nhất.
Đừng để cuộc “hôn nhân” giữa khách hàng và bạn bị “tắt lửa”
Sau lần hợp tác đầu tiên hoặc sau những lần hợp tác, hãy dành một slide đánh giá những điểm Tích cực và những điểm còn Hạn chế trong chiến dịch. Hãy giải thích cho khách hàng hiểu vì sao có những điểm hạn chế này. Có những khách hàng sẽ không thích điệp khúc “vì, do, tại, bởi”, nhưng thật sự thì có những nguyên nhân chủ quan và khách quan trong quá trình triển khai sẽ khiến bạn trở tay không kịp, dẫn đến kết quả KPIs không như cam kết, bạn phải bảo vệ quan điểm, giữ vững lập trường và giải thích cho khách hàng rõ.
Tips:
- Chẳng hạn, trong quá trình chạy quảng cáo, bỗng dưng có 3 ngày liên tục quảng cáo không “cắn tiền”, không “mồi được khách”… nhà quảng cáo hãy tìm đến các diễn đàn cộng đồng chia sẻ vấn đề, nếu như cộng đồng phản hồi họ cũng đang có chung tình trạng, hãy “screen shot” nội dung thảo luận đó để làm cơ sở thuyết phục khách hàng tin vào vấn đề bạn đang giải thích. Nếu là một khách hàng có tâm, họ sẽ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu.
- Hãy dành thêm 1 slide đề xuất giải pháp khắc phục các vấn đề đó và đặt một ngôi sao hy vọng để khách hàng trở lại với lần hợp tác tiếp theo. Đôi khi khách hàng có nhiều việc sẽ quên, hoặc còn phân vân vấn đề gì đó, hãy tận dụng mọi kênh liên lạc và thả thính một cách tinh tế, gọi mời khách hàng tổ chức một buổi “hấp hôn” để ôn lại những kỷ niệm đẹp. Quán cà phê, quán ốc, quán lẩu… tất tần tật miễn có thể xích lại gần nhau hơn.
Còn bạn báo cáo kết quả quảng cáo cho khách hàng như thế nào? Hãy cùng share với mình và cộng đồng về Facebook report của bạn nhé!
>> Xem thêm: Facebook Report – Hướng dẫn chi tiết cần báo cáo những gì cho khách hàng? (Phần 1)