Các nội dung chính
Maurice Flamant từng ví lạm phát như ‘một căn bệnh mãn tính, những lúc ngớt cơn chỉ là thời kỳ ủ bệnh và khi phát cơn thì như một ngọn lửa bùng’. Nhưng liệu rằng nó có luôn luôn đem lại bất lợi cho nền kinh tế? Và trong mối quan hệ với tăng trưởng, lạm phát đóng vai trò gì?
-
Lạm phát, thước đo lạm phát
Theo các nhà kinh tế học, lạm phát là sự gia tăng của mức giá theo thời gian. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa hơn trước. Vì vậy, lạm phát thể hiện sức mua giảm sút trên một đơn vị tiền tệ. Nếu đặt trong mối quan hệ toàn cầu, thì đó là sự giảm giá trị đồng tiền của một quốc gia này so với quốc gia khác.
Trong thực tế, có nhiều thước đo để đo lường lạm phát như: chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số giảm phát GDP…
1.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ tiêu được sử dụng phổ biến nhất để đo lường. CPI biểu hiện sự thay đổi giá cả sản phẩm theo thời gian. Nhưng sự biểu hiện này chỉ mang tính tương đối vì CPI được tính dựa trên một giỏ hàng hóa đại diện cho cả hệ thống hàng tiêu dùng.
Mặc dù có nhiều thước đo nhưng CPI vẫn là thước đo được quan tâm nhất. Vì sự thay đổi CPI phản ánh thay đổi trong mức sống người tiêu dùng. Bởi vậy, khi nền kinh tế có lạm phát thì đồng nghĩa với việc có sự gia tăng liên tục và kéo dài của CPI.
1.2. Chỉ số giá bán buôn (PPI)
Khác với CPI, chỉ số giá bán buôn PPI biểu hiện biến động của giá cả đầu vào, mà bản chất là sự biến động giá cả sản xuất. Xu hướng biến động này đương nhiên tác động đến giá cả sản phẩm trên thị trường. Nhiều quốc gia như Ấn Độ trước kia và Philippines đã và đang dùng PPI làm thước đo lạm phát.
-
Mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng
Không chỉ Việt Nam mà đa số các quốc gia đều theo đuổi bốn mục tiêu kinh tế cơ bản. Đó là tăng trưởng đạt mức cao, lạm phát ở con số thấp, tỷ lệ thất nghiệp ở mức ít, thặng dư cán cân thanh toán. Trong số này, tăng trưởng đạt mức cao và lạm phát ở con số thấp là hai mục tiêu quan trọng nhất, có mối liên hệ mật thiết với nhau. Đó không chỉ là mối quan hệ một chiều mà là sự tương tác qua lại trong thời gian ngắn. Khi lạm phát ở con số thấp, nó và tăng trưởng sẽ có mối quan hệ cùng chiều. Điều đó đồng nghĩa với việc, Chính phủ muốn đạt mức tăng trưởng cao thì phải đánh đổi bằng mức lạm phát tăng.
Nhưng mối quan hệ đó không kéo dài mãi. Đến một thời điểm nhất định, lạm phát tiếp tục leo thang sẽ khiến tỷ lệ tăng trưởng giảm sút. Trong thời gian dài, khi tăng trưởng chạm đến đỉnh thì yếu tố còn lại không còn sự tác động nữa. Lúc này, đó là kết quả của việc lượng tiền được “bơm” quá nhiều vào nền kinh tế.
Bởi vậy, khi điều hành một quốc gia, Chính phủ thường không thể đồng thời đạt được cả hai mục tiêu trên. Mà phải chấp nhận đánh đổi một trong hai.
-
Liên hệ tới tình hình Việt Nam
Mức độ tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2019 của Việt Nam khá cao. Đồng thời CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so cùng kỳ năm 2018. Vẫn còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực nếu lạm phát xảy ra trong thời gian tới. Nếu lạm phát tăng cao hơn, nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ của nước ta có thể bị tàn phá rất nhiều. Một hệ lụy khủng khiếp nhất mà loài người từng chứng kiến chính là thời kỳ siêu lạm phát trầm trọng của nước Đức năm 1923. Lúc bấy giờ, tỷ lệ lạm phát lên tới 29.500%. Sự kiện tồi tệ này đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Thậm chí người ta còn đốt tiền thay củi và than.
Lạm phát ở Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới có thể không khủng khiếp như nước Đức năm 1923. Nhưng hãy nhớ rằng trong thực tế, bất cứ nền kinh tế của quốc gia nào đều cũng đã trải qua các cuộc khủng hoảng kinh tế và tỷ lệ lạm phát tăng với những quy mô khác nhau. Bởi vậy, những hệ lụy của lạm phát tác động đến kinh tế nước ta vẫn rất đáng quan ngại.
Đọc thêm: Bật mí khởi nghiệp tinh gọn và các nguyên lý hoạt động cơ bản